Dựa trên những nghiên cứu, Gordon còn cho thấy: “Bé hư hỏng thường do những dạy dỗ nghiêm khắc và thực thi hình phạt quá nhiều…”. Vì bé không được độc lập trong việc tự lo liệu và làm chủ chính mình, nên chúng không có cơ may xây dựng lòng tự tin và nhìn nhận giá trị bản thân. Ngoài ra, dạy dỗ bằng hình phạt nghĩa là bắt bé phải tuân theo, chúng sẽ không phát triển tính sáng tạo. Gây cảm xúc tiêu cực ở bé: Nếu ép buộc bé thi hành sẽ khơi lên nhiều cảm xúc và hành vi tiêu cực: chống đối, tuân phục, chịu đựng…
Nhưng khi bé như thế, người lớn lại tìm cách kiểm soát những điều này. Tình cảm cha mẹ – con cái sẽ dần sứt mẻ và bé ngày càng không thích gần người lớn. Rốt cuộc điều này lại gây thêm hình phạt khác, khiến bé rút vào vỏ hay tự làm cho mình xa lạ với người lớn. Những bé thường răm rắp vâng lời sẽ có vấn đề với bé đồng lứa. Vì những bé khác thường không thích những bé luôn tuân thủ, khép mình thụ động… Chúng sẽ cho những bé này “ra rìa”, bị cô lập hay tự cô lập. Sự hủy hoại từ bên trong bé: Quyền lực nơi người lớn làm bé muốn tách rời gia đình, xa sự lệ thuộc. Bé sợ hãi nhưng lại không thể bỏ đi được. Bên trong bé trở nên bất ổn và giằng xé. Còn người lớn lại cảm thấy bị đe dọa mất quyền lực, càng cách biệt với bé và siết kỷ luật. Điều này gây tổn thương cả đôi bên. Vì thế các nhà tâm lý đặt ra câu hỏi: xã hội thật sự muốn có những đứa bé luôn vâng lời không?
Khi chỉ biết phục tùng, bé trở thành người luôn tránh né, chối từ trách nhiệm về hành động của mình. Nguy hiểm nhất là suy nghĩ chúng thấy mình chỉ là một công cụ của người khác mà thôi. Hãy thử nghĩ khi bị ép làm gì, chúng ta thấy điều đó vô nghĩa. Nhưng chúng ta buộc phải làm, vì nếu không chúng ta có thể bị sa thải… Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một thứ “vũ khí”, đó là sự phá hoại. Chúng ta có thể làm việc nhưng làm miễn cưỡng và có khi gây bất lợi cho người ra lệnh. Phụ huynh chỉ thật sự thành công khi những gì chúng ta đòi hỏi bé cũng là điều mà chúng thích. Lợi ích phải hai chiều. Giáo dục dựa trên quyền lực sẽ bất lợi nếu nhu cầu, ước muốn của người lớn và của bé quá khác nhau.