Sau nửa giờ sinh con, mẹ có thể cho bé bú ngay. Sữa đầu hay còn gọi sữa non rất giàu đạm, chất béo lại chứa nhiều kháng thể cần thiết để trẻ kháng được các mầm bệnh của môi trường.
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo
Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ cho đến ít nhất là 6 tháng, đến tròn 1 tuổi càng tốt, vì ngoài các yếu tố bảo vệ sức khỏe em bé không có ở các loại sữa khác như đã nói trên, việc cho bú sữa mẹ lại rất an toàn vì chỉ có sự giao tiếp giữa mẹ và con, không thể, hoặc ít khi bị nhiễm trùng. Ngược lại, việc cho bú bình, dù là sữa bò, sữa bột, hay sữa nhân hóa ngoại nhập (công thức làm cho giống sữa mẹ) vẫn không tốt bằng sữa mẹ thứ thiệt. Mặt khác bình sữa, núm sữa, và dụng cụ pha sữa rất dễ bị nhiễm trùng nên gây tiêu chảy, suy dinh dưỡng. Vì thế, các chuyên viên của WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới) khuyên rằng nếu không có lí do gì quan trọng mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú sữa của mình cho đến khi bé biết ăn dặm
Tạo tình cảm cho mẹ và bé
Cho bú sữa mẹ sẽ tạo nên mối dây liên lạc mật thiết nhất giữa mẹ và con. Mẹ sảng khoái vì đã thể hiện được tình mẫu tử thắm thiết nhất khi (được nuôi con bằng dòng sữa ấm quí giá nhất của mình, để con mau khôn lớn. Con an lòng trong sự trìu mến tiếp xúc mẹ – con, được ấm no, được người mẹ thân yêu mà bé cảm nhận được từng hơi thở, từng nhịp đập quả tim, và cả tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát…trong khi bé còn trong bụng mẹ, nâng niu bồng ẵm…Do đó nếu được nuôi bằng sữa mẹ, đứa bé chẳng những không bị stress mà còn phát triển thần kinh, trí tuệ sau này rất tốt.
Tiết kiệm tài chính
Cho bú sữa mẹ là hình thức đầu tư kinh tế nhất. Sữa mẹ không mất tiền mua, trong khi sữa bột công thức rất đắt tiền, lại phải tốn công tốn của trong việc pha chế, đun nước khử trùng bình sữa, mím vú..Công của này đã nhiều nhưng chưa phải hết: việc nuôi con bằng sữa bột, dù là sữa ngoại nhập tốn nhiều ngoại tệ, vẫn làm cho đứa bé dễ bị nhiễm bệnh như: tiêu chảy, dị ứng, viêm phổi, suy dinh dưỡng…mà việc chữa trị tốn nhiều công cũng như tâm trí của cả gia đình và xã hội..
Tránh thai hiệu quả
Cho bú sữa mẹ còn giúp cho bà mẹ đẻ thưa hơn: Tuy khả năng ngăn cản quá trình rụng trứng của việc cho bú sữa mẹ không cao (không chắc chắn trong việc ngăn cản thụ thai kế tiếp) nhưng khả năng này cũng giúp các bà mẹ đẻ thưa hơn khi cho bé bú sữa bò. Tốt nhất vẫn nên áp dụng một biện pháp ngừa thai chắc chắn hơn trong việc kế hoạch hóa gia đình.
Không gây dị ứng cho trẻ
Sữa mẹ không gây dị ứng như sữa bò. Khi đứa bé mới sanh, cơ thể chưa được thành thục, thí dụ chức năng gan chưa hoàn chỉnh. Do đó nếu cho trẻ sơ sinh bú sữa bột rất dễ bị dị ứng. Nếu đứa bé có cơ địa dị ứng (di truyền từ cha mẹ chẳng hạn) thì việc cho bú sữa bột càng dỗ phát khởi các chứng bệnh dị ứng sau này, như tiêu chảy, chàm (eczema), hen suyễn, viêm loét dạ dày…
Tóm lại, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào bé đói. Hơn nữa, sự tiếp xúc giữa 2 cơ thể khi người mẹ bồng con giúp trẻ tự tin hơn, có cảm giác an toàn hơn, ấm áp hơn.