Trớ sữa là hiện tượng diễn ra thường xuyên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trớ sữa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó có trớ sữa do sinh lý bình thường và trớ sữa do bệnh lý. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ có thêm thông tin về triệu chứng này ở trẻ nhỏ.
1. Trớ là gì?
Trớ hay còn gọi là ọc sữa là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ do đặc điểm của bộ tiêu hóa chưa hoàn thiện, cơ tâm vị yếu, dạ dày còn ở tư thế nằm ngang. Trớ sữa ở trẻ có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần lên.
Ngoài ra, trớ sữa còn là triệu chứng trong nhiều bệnh khác nhau, nhưng nôn nhiều kéo dài thường ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, rối loạn nước… Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ còn là do sự co bóp phối hợp của cơ hoành, cơ thành bụng và cơn trơn dạ dày thực quản. Trớ là sự co bóp của cơ trơn dạ dạy thực quản, không có sự tham gia của cơ hoành và thường là thức ăn chưa tiêu hóa.
2. Nguyên nhân và cách phòng tránh nôn trớ
– Vấn đề ăn uống: điều này hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ bị ép bú quá nhiều, bú quá no, bú chai, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ… Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho bé ăn theo những cách sau là được:
* Không ép trẻ bú nhiều làm cho trẻ sinh tâm lý sợ bú.
* Chia các cử bú làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng sữa cần thiết.
* Mỗi lần bú không quá 30 phút và sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.
* Pha sữa đúng công thức và nên cho ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc.
* Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
– Trớ do bệnh co thắt môn vị: thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, thể trạng thần kinh dễ bị kích thích hay quấy khóc hờn dỗi, kém ngủ. Trớ sữa xuất hiện sớm trong những ngày đầu sau đẻ dù trẻ ăn sữa mẹ hay sữa bò, chất nôn là nước sữa hoặc sữa đông vón tùy theo thời gian sữa lưu lại dạ dày. Trẻ vẫn thích ăn, ít bị sụt cân, cơ thể vẫn phát triển bình thường. Bệnh sẽ giảm dần khi trẻ bắt đầu ăn chế độ đặc, vì ăn chất lỏng không khí dễ vào dạ dày gây đầy hơi trẻ dễ bị nôn trớ. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cần lưu ý:
* Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn bằng cách pha thêm nước cháo vào sữa.
* Cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường vau mỗi lần bú bế trẻ đầu cao một lúc sau đó đặt trẻ nằm nghiêng bên trái 10 phút rồi chuyển sang bên phải, cuối cùng đặt trẻ nằm ngửa.
– Nôn do bệnh tật: hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não… một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử… Với những trường hợp này, ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.