Những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai

0
2268

Suy dinh dưỡng bào thai là một thực trạng không hiếm gặp ở những phụ nữ chưa có kinh nghiệm mang thai và chăm sóc bản thân trong thời kì này. Hãy tìm hiểu các tác hại của hội chứng này để có phương pháp bổ sung dinh dưỡng thích hợp nhé!

Suy dinh dưỡng bào thai

Trẻ suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT) là trẻ sinh ra đủ tháng nhưng thân trọng dưới mức chuẩn <2500g. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, xương, não, gan, thận đều bị ảnh hưởng. Hậu quả tùy theo SDDBT diễn ra trong giai đoạn nào của thai kì: Nếu SDDBT xảy ra vào 3 tháng cuối thai kì thì trẻ sinh ra sẽ có bộ não chậm phát triển, về sau sẽ kém thông minh, trẻ sinh ra dễ bị hạ canxi máu, co giật. Nếu được chăm sóc tốt thì trẻ SDDBT sẽ phát triển bình thường, đạt được thân trọng như những trẻ khác sau 2-3 tháng nhưng chiều cao thì rất khó có thể đạt được mức bình thường, sau này dễ có nguy cơ bị thấp còi, dễ bị thừa cân hay béo phì (do chiều cao thấp khó có thân trọng cân đối). Nếu chăm sóc không tốt, trẻ SDDBT sẽ ốm đau quặt quẹo, còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh. Theo WHO, có khoảng 33% trẻ bị SDDBT bị chết trong những năm đầu đời.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai

Tuổi tác của người mẹ: Nữ trưởng thành ở tuổi 20 và vẫn tiếp tục hoàn chỉnh ở tuổi 25, từ tuổi 30 trở đi bắt đầu suy giảm. Thời gian sinh đẻ tốt nhất là 25-30 tuổi. Sinh sớm, trước 25 tuổi, đặc biệt là trước 20 tuổi, sẽ làm cho người mẹ phải chia sẻ cho con, mất đi một thời gian cần thiết để phát triển, nên chính người mẹ sẽ thấp bé, đồng thời con sinh ra cũng bị thấp nhỏ cho dù người chồng có cao lớn. Sinh sau 30 tuổi, đặc biệt khi tuổi khá cao, con có xác suất không bình thường, có thể có dị tật, bị hội chứng down, tim bẩm sinh.

Hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai để hạn chế xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai nhé!

Sức khỏe của người mẹ: Nếu người mẹ bị cúm, sốt phát ban, nhiễm khuẩn cấp, viêm gan, thấp tim, phù thận, giang mai, HIV/AIDS thì tốt nhất nên chữa khỏi hay ổn định bệnh rồi mới mang thai. Lúc mang thai mà bị bệnh, nhất là bệnh trong thời kì tiến triển thì có thể lây truyền cho con, gây ra các dị tật cho thai. Có những bệnh di truyền tiềm ẩn mà người mẹ không thể biết được (bệnh về nội tiết chuyển hóa) vì vậy cần hỏi kĩ bác sĩ trước khi mang thai.

Dinh dưỡng của người mẹ: Dinh dưỡng của thai do mẹ, phụ thuộc vào sự cung cấp của mẹ. Lúc mang thai, nếu người mẹ ăn thiếu chất protein thì trẻ không đủ protein đặc biệt để tạo nên bộ khung xương, nếu thiếu cả canxi thì trẻ thiếu nguyên liệu tạo nên chất khoáng xương. Kế quả là khi sinh ra trẻ bị các chứng hạ canxi máu (sơ sinh) hay bị còi xương bẩm sinh.

Năng lượng của người mẹ: người mẹ cần năng lượng để sống, hoạt động, đồng thời cần năng lượng cung cấp cho thai nhi phát triển và dự trữ để sinh sữa nuôi con. Trong thai kì, ba tháng đầu chỉ tăng 1 kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg, tổng cộng cho đến trước lúc đẻ tăng 12kg, trong đó có 7,5kg cho bào thai, rau thai, nước ối, máu, còn lại 5kg dự trữ. Nếu đến cuối thai kì mà bà mẹ chỉ tăng tổng cộng 6-7 kg có nghĩa là trẻ sinh ra sẽ nhỏ, người mẹ không đủ chất dự trữ để sinh sữa nuôi con.

Chính vì những lý do nêu trên, người mẹ hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng với một chế độ ăn uống khoa học. Có thể dùng thêm các loại sữa cho bà bầu có giá trị dinh dưỡng cao để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể nhằm nuôi dưỡng thai nhi thật khỏe mạnh.