Bạn có bao giờ thắc mắc, khi con trẻ bước vào môi trường học đường, tâm tình của chúng sẽ như thế nào chưa?
Để hiểu hơn về tâm tình của con trẻ khi bắt đầu tiếp xúc và làm quen với một môi trường giáo dục mới, hãy cùng chúng tôi khám phá qua bài viết sau đây.
Trẻ khởi nguồn mọi sự hoạt động
Từ lúc này, con trẻ khởi nguồn sự hoạt động, nghe theo thầy giáo, tập chơi giải trí cho thân mình khỏe mạnh, cho trí não cường tráng. Nó vui vẻ hòa mình với bạn bè bên cạnh thủ lãnh mới là thầy dạy, một quyền lực nghiêm nghị và có vẻ cộng đồng vô tư.
Ở gia đình, quyền hành dựa vào huyết thống tông tộc, tình cha nghĩa mẹ, con trẻ dễ dàng hưởng sự tha thứ mỗi lần sơ xuất. Nhưng một khi vào sinh hoạt học đường, quyền hành ở trên truyền xuống, con trẻ vâng phục tức khắc, không chậm trễ, vì công việc học đường, vì bước tiến cộng đồng của chúng bạn đòi phải dứt khoát. Hơn nữa, học đường có kỷ luật, thầy giáo có phận sự thi hành, không bao giờ dựa vào tình huyết nhục, nghĩa tông tộc, mặc dầu thầy giáo là bà con với một vài học sinh.
Trẻ nhận thấy cuộc sống đoàn thể là rất hữu ích
Con trẻ thấy xung quanh là những bạn cùng trường, nhất là những bạn cùng lớp, hàng ngày chơi đùa tranh luận. Vì đó, con trẻ thấy cuộc sống đoàn thể rất hữu ích cho kiến thức nảy nở. Con trẻ sảng khoái với cuộc chơi đậm đà, xây trên tình bạn, cùng chung một mục đích cao đẹp. Học hành để sau này nên người.
Do hoàn cảnh liên lạc và tiếp xúc thường xuyên ở học đường, thường sẽ phát sinh tình liên đới, gây cho con trẻ thích thú chung sống bên nhau, tương trợ yêu mến nhau như tình ruột thịt. Cuộc sống chung này ảnh hưởng mạnh mẽ vào dời sống con trẻ. Nó nhận ra sức mạnh ảnh hưởng của thầy giáo: Một khi thầy nói, thầy dạy, thầy truyền thì con trẻ tức tốc phải nghe, không trì hoãn. Nhưng bạn trẻ chăm chỉ hay chơi bời lười biếng, là gương trước mặt thúc giục con trẻ làm theo, củng chăm chỉ, cũng chơi bời. Con trẻ thấy sao làm vậy, và tập hành động, tập ngôn ngữ của bạn bè, của mỗi trường nó sinh hoạt. Đó là trường hợp gây cho trẻ tâm tình mới và ảnh hưởng sâu xa vào đời sống về sau.
Trẻ mở mang trí óc trước mọi hoàn cảnh
Học đường còn tạo cho con trẻ mở mang trí óc trước mọi hoàn cảnh, để biết biểu lộ ra ngoài, làm cho trẻ trực tiếp thay đổi tư cách. Ví dụ trước kia ở gia đình, con trẻ nhút nhát, chỉ quanh quẩn bên bà mẹ, không dám ra chơi một mình. Ngày sau khi được giáo dục ở nhà trường, con trẻ thông cảm với bạn bè, tập quen bạo dạn và tỏ ra tinh nhanh. Đến nhà trường chung đụng, con trẻ cảm thấy cần khôn lớn mỗi ngày một hơn, phải học đòi khó khăn, cần cố gắng, bền gan, không được ỷ lại, không thể dại dột, không nên bủn xỉn.
Thật sự, con trẻ tiếp xúc với thầy giáo, với bạn bè làm cho cuộc đời đổi mới nảy nở thiện cảm và ác cảm giữa thầy với bạn bè. Chỉ một lời nói, một cử chỉ, một thái độ đủ làm cho trái tim con trẻ thay hướng đổi chiều. Bây giờ, thầy giáo cần đi sâu vào tâm lý con trẻ để dẫn dắt và củng cố tâm hồn cho con trẻ.
Sau khi sống với bạn bè, thấy lợi ích của sinh hoạt cộng đồng, con trẻ sẽ ghét tính cô lập, sẽ từ bỏ lòng ích kỷ, sẽ phát triển tính vị tha, bác ái. Sống chung thật là nguồn nghị lực cho con trẻ ngoại trừ những tính nết xấu, vì gương chúng bạn, vì sự ăn ở chính đáng bên ngoài, làm đà lôi cuốn con người hành động theo đường lối toàn thiện toàn mỹ.
Như vậy đời sống và lĩnh vực học đường đã góp phần tạo cho tâm hồn con trẻ ngày một thêm cứng rắn, và quen với sinh hoạt cộng đồng của xã hội. Đừng quên những vấn đề này để giáo dục con trẻ được tốt hơn bạn nhé! Bạn cũng có thể tham khảo thêm cách chăm sóc sức khoẻ cho trẻ tại đây để con yêu thật khoẻ mạnh khi bước vào môi trường học đường mới.