Bé sơ sinh dùng vú bình sớm sẽ bị sai phản xạ ngậm bú vú mẹ

0
1524

Như chúng ta đã tìm hiểu ở phần trên, từ trong bào thai mẹ, thai nhi đã tập động tác ngậm bú mút theo phản xạ. Động tác đó là phản xạ sinh tồn quan trọng của loài người, do đó, khi bé sinh ra, bé đã có động tác ngậm bú mẹ hoàn hảo, đảm bảo bé sẽ bú được tốt nhất, hiệu quả nhất và không có khó khăn gì cho dù kích thước, hình dạng đầu vú và bầu vú mẹ như thế nào.

Khi bé bú theo phản xạ hoàn hảo đó:

– Lưỡi massage quầng vú để kích thích tiết sữa trong khi bú;

– Đóng kín giữa bầu vú mẹ với môi và lưỡi bé, không cho sữa thoát ngược ra môi khi bé nuốt, và bé không hớp thêm không khí vào khi bú (Không bị trớ do nuốt nhiều không khí);

– Khi bé bắt đầu nuốt, vòm họng sẽ giảm áp suất giúp bé bám chặt vào bầu vú mẹ và dòng sữa được hút ra và nuốt nhẹ nhàng, hiệu quả nhất;

– Đầu vú mẹ chạm sâu phía trên vòm họng, lưỡi tạo thành ống đón sữa vào thực quản khiến bé không bị sặc.

Chúng ta gọi động tác bản năng hoàn hảo này là “Khớp ngậm đúng”.

Theo phân tích phẫu thuật học vị trí môi, lưỡi, cách ngậm vú mẹ và vú giả (bình sữa) động tác bú mẹ rất khác bú bình. Vì sửa ở bình sữa tự chảy ra mà không cần massage kích thích hay ép vắt, do đó lưỡi không hoạt động như trong “khớp ngậm đúng” mà sẽ thu vào sâu trong họng và tì vào đầu vú nhựa, (lưỡi sẽ chỉ nằm im như một con mèo lười, không lượn, vắt trong suốt cữ bú như tự nhiên nữa). Khi bé bú quen với vị trí “lười” này, lưỡi bé sẽ mất phản xạ vận động để massage kích thích, ép vắt sữa khi bú mẹ.

Khi bú mẹ, bé ngậm vú mẹ theo cách ngậm vú bình mà bé đã được bú quá sớm trước khi quen cách bú me, thì bé sẽ bú không có hiệu quả, sữa hay bị tràn ra cạnh mép, dễ bị sặc sữa dẫn đến bú lâu mà không no, hoặc mau đói trở lại… mẹ có cảm giác mình không đủ sữa, (dù con bú sữa tràn ra ngoài, khi không cho con bú sữa chảy ướt áo), và phải cho con dặm sữa ngoài càng lúc càng nhiều.