Song song với việc nhổ tận gốc những niềm tin sai trái, cha mẹ phải truyền những niềm tin đúng đắn cho con cái để thúc đẩy chúng vươn tới thành công. Sau nhiều năm tiếp xúc với các em đạt thành tích cao trong trường học, chúng tôi phát hiện ra rằng những em này có chung một tập hợp các niềm tin đúng đắn giúp chúng tận dụng tối đa tiềm năng của mình.
Hai trong số những niềm tin tích cực nhất của chúng là… Niềm tin thứ nhất: Tất cả mọi người đều có tiềm năng như nhau. Nếu anh làm được thì tôi cũng làm tốt. Vấn đề là ở phương pháp. Những học sinh kém tin rằng chúng không thể đạt được những gì các bạn khác có thể dễ dàng đạt được. Rằng đó là vì chúng không đủ thông minh, không đủ khéo léo hay không có những điều kiện cần và đủ.
Trái lại, những đứa trẻ thành công thì tin chắc rằng mọi người ai cũng có cơ hội thành công như nhau. Nếu người khác làm được, chúng cũng làm được. Vấn đề chỉ nằm ở phương pháp. Điểm 10 tuyệt đối không phải chỉ dành cho một số ít người mà là cho tất cả mọi người, chỉ cần tìm được cách học đúng mà thôi. Bên cạnh việc liên tục nhấn mạnh rằng: “Con có thể làm được bất kỳ việc gì với một phương pháp đúng”, cách tốt nhất để gầy dựng niềm tin mới này cho con bạn là phải chứng minh cho chúng thấy rõ điều đó. Nếu con bạn nghĩ rằng chúng có trí nhớ kém, hãy khuyến khích chúng học các kỹ thuật ghi nhớ siêu đẳng (mà chúng tôi đã đề cập trong chương 2) và chúng sẽ ngạc nhiên lắm lắm khi thấy mình thật sự có thể ghi nhớ các sự kiện và con số… không chê vào đâu được.
Một vài năm trước, chúng tôi làm việc với một học trò tin rằng cậu không thể đánh vần được. Khi chúng tôi dạy cậu phương pháp đánh vần bằng mắt, cậu đã sửng sốt khi thấy rằng cậu có thể đánh vần xuôi và ngược những từ dài tới 12 ký tự. Việc này hoàn toàn thay đổi niềm tin cũ của cậu. Một cách để củng cố niềm tin tích cực trong con cái là sử dụng khẩu hiệu “Nếu người khác làm được, tôi cũng làm được!”
Niềm tin thứ hai: Tôi có sự lựa chọn làm người thành công hay kẻ thất bại Nhiều người bình thường tin chắc như đinh đóng cột rằng họ sinh ra đã là những “trâu chậm uống nước đục” hay “thất bại” và rằng họ không có khả năng giành được bất cứ điều gì tốt đẹp. Khi được hỏi tại sao họ lại chắc chắn như thế, họ thường đưa ra những lý do như, “Kết quả của tôi bao giờ cũng tệ hơn người khác”, “Tôi chẳng bao giờ làm được việc gì hay ho cả” hoặc “Tôi suốt đời thua anh kém chị trong tất cả mọi chuyện”, “Những việc như thế khiến tôi thành kẻ thất bại”. Một trong những điều mà chúng tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh của mình là, chính chúng chứ không phải ai khác là người đưa ra chọn lựa làm người thành công hay kẻ thất bại. Tôi cũng bảo chúng rằng những gì xảy ra trong quá khứ không phải là yếu tố quyết định việc chúng có về đích hay không, mà chính cách chúng suy nghĩ và hành động mới quyết định chúng chiến thắng hay thua cuộc.