Nhiều lúc bạn chợt tự hỏi không biết cô con gái duy nhất mới ba tuổi của mình khi lớn lên có chịu nghe lời mẹ không. Liệu trẻ có sớm nhận thức và thích nghi với thế giới của người lớn hay không, vì hiện tại đối với gia đình hay đối với chúng bạn cùng tuổi, nó được xem là một “cô công chúa”…
Nhiều người thường có định kiến với những đứa bé con một, nhưng điều đó chẳng có thực tế một chút nào và nhiều khi còn là sai lầm. Những cuộc nghiên cứu tâm lý của trẻ em cho thấy khi so sánh một đứa trẻ là con một và một đứa trẻ có anh em thì:
– Không hẳn con một thì dễ bị hư hỏng, thích được mọi người quan tâm chiều chuộng và thường hay đòi hỏi hơn những đứa trẻ khác.
– Con một có khả năng trở thành người lãnh đạo năng lực và thường đưa ra những sáng kiến xuất sắc.
– Con một không cảm thấy cô độc hoặc bất hạnh mặc dù khi ở nhà bé không có anh chị em để chơi cùng.
– Con một thì vẫn sống vui vẻ và tự tin như những đứa trẻ khác.
Có vài đứa trẻ thể hiện rõ nét của “ông vua con” nhưng đó không phải là kết quả hiển nhiên của việc không có anh chị em ruột thịt nào cả. Tránh cho trẻ có suy nghĩ trẻ là trung tâm của vũ trụ, tự cho mình cái quyền nói hỗn với người lớn và muốn gì được nấy, hãy khích lệ trẻ chia sẻ đồ chơi, quà bánh cho bạn bè trong trường, trong lớp hoặc bạn chung xóm. Nêu ra những lý do thích hợp và dễ hiểu để giải thích cho bé hiểu tại sao bé phải làm như vậy, ví dụ như nếu bé rủ bạn bè cùng chơi thì ai cũng có cơ hội để thưởng thức trò chơi đó và tất nhiên bé sẽ được bạn bè yêu mến hơn.
Hoặc có thể dùng những mẫu chuyện để dạy bé. Khi thấy con gái của mình đang cãi nhau với một cậu bạn của nó về việc ai có quyền chơi một món đồ chơi nào đó, phản ứng bình thường của một người mẹ là cất luôn món đồ chơi đó và xem đây là một cách để trừng phạt trẻ. Tuy nhiên cách giải quyết này chỉ dạy cho trẻ biết cách cãi nhau làm sao đừng quá to tiếng để người lớn nghe thấy. Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể hòa giải hai người bạn nhỏ bằng cách khuyên con bạn nhường cho người bạn chơi khoảng năm mười phút, trong lúc đó bé có thể chơi đồ chơi khác, và sau lại trao đổi cho nhau. Vậy là cả hai cùng được chơi món đồ chơi đó.
Con bạn không thể chơi một cách hòa đồng với những đứa trẻ khác nếu bé không biết kiên nhẫn đợi đến lượt mình. Cách kiên nhẫn chờ đợi không tự nhiên sẵn có mà phải học và trước hết là học tại nhà. Đối với người lớn, kiên nhẫn chờ đợi một vài phút người ta có thể biết thêm một số thông tin. Bạn chỉ nên đưa bé phần bánh quy của nó khi mọi người lớn trong nhà đã có phần nếu chia bánh theo tuổi. Còn nếu chia theo vòng thì nên theo đúng thứ tự đó chứ không ưu tiên cho ai cả. Nên tạo tình huống để bé học được bài học kiên nhẫn chờ đợi, một bài học lớn trong cuộc sống hàng ngày.
Tương tự như vậy, trẻ không thể chơi với bạn mà không theo luật của trò chơi. Có thể đứa con một của bạn sẽ gặp khó khăn hơn những đứa có đông anh chị em vì nó có ít dịp cùng chơi trò chơi với người khác. Cũng giống những năng khiếu xã hội khác, bạn có thể dạy cho bé khả năng tuân thủ theo luật tại nhà. Cùng trẻ chơi những trò chơi có yêu cầu tuân theo luật và giải thích cho bé hiểu tại sao ta phải tuân theo những quy định của trò chơi. Nếu bé học được điều này khi chơi với mẹ tại nhà thì nhất định bé sẽ biết cách chơi với bạn.