Có rất nhiều trẻ dù đã lớn vẫn không quen dùng thìa (muỗng) ăn cơm khiến người lớn rất lo lắng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, trẻ muốn hoặc không muốn ăn thức ăn bằng thìa chẳng qua chỉ là một thói quen hành vi, hình thành trong trẻ một cách vô ý thức.
Phải làm gì khi trẻ không chịu ăn cháo bằng thìa?
Trẻ vốn không từ chối các loại thức ăn, chúng bị động tiếp nhận mọi thức ăn theo thói quen ăn uống của gia đình. Đồng thời trong quá trình trưởng thành, con người chịu sự ảnh hưởng của các nhân tố như sinh lý, tâm lý, chủng tộc, gia đình và kinh tế xã hội, từng bước hình thành hành vi ăn uống của bản thân.
Do vậy, người lớn nên quan tâm đầy đủ tới tình trạng dinh dưỡng cần thiết của trẻ tùy vào độ tuổi khác nhau, đặc điểm khí chất khác nhau (mức độ nhanh chậm trong việc tiếp nhận và thích ứng thức ăn mới), giúp trẻ tạo dựng hành vi ăn uống tốt đẹp.
Trẻ liệu có muốn ăn bằng thìa hay không cũng là một thói quen ăn uống được hình thành dần dần. Đa số trẻ ở giai đoạn nhỏ tuổi (nhỏ hơn 1 tuổi) đã quen ăn bằng thìa. Bởi lẽ giai đoạn này trẻ rất thích nếm thử các món ăn bằng miệng và lưỡi, bao gồm cả việc dùng thìa xúc vào miệng.
Do vậy, trẻ ở độ tuổi này tương đối dễ thích ứng với thức ăn mới và cách thức cho ăn mới, cũng là thời kì mấu chốt tạo dựng thói quen ăn uống của trẻ nên mẹ cần chú ý áp dụng phương pháp ăn dặm phù hợp cho con.
Tạo dựng thói quen ăn bằng thìa cho trẻ
Tạo dựng thói quen ăn bằng thìa cho trẻ trong giai đoạn trẻ mới tập ăn dặm nên chú ý tới những điểm sau:
(1) Cho ăn bằng thìa sớm nhất có thể. Trẻ bú mẹ, khi sữa không đủ, kịp thời cho uống sữa bằng thìa. Trẻ bú bình khi bổ sung nước hoa quả cũng dùng thìa cho uống. Nếu trẻ cần bổ sung nước bột canxi, cũng nên cho uống bằng thìa.
(2) Khi cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn phụ dạng mềm như bột gạo, nên nấu thành dạng sệt rồi cho ăn bằng thìa. Không nên hòa sữa công thức vào bột ăn dặm rồi cho vô bình sữa rồi để trẻ bú, như vậy không chỉ gây ảnh hưởng xấu cho thói quen ăn bằng thìa mà còn ảnh hưởng tới việc hấp thu khoáng chất trong sữa bò.
Đối với trẻ lớn hơn một chút mà vẫn chưa quen dùng thìa, có thể dựa trên thói quen ăn uống vốn có của trẻ để từng bước giúp trẻ thích ứng. Trẻ trong giai đoạn 1 tuổi đã biết thích hoặc không thích đối với thức ăn, thậm chí với một số động tác nào đó như dùng thìa, tư thế ngồi, vị trí ngồi… Cha mẹ phải đối mặt với những thói quen này của trẻ, từng bước thay đổi một số thói quen xấu. Khi trẻ không nghe theo, nên nhẫn nại, tuyệt đối không nên giận dữ, quát mắng.
Dạy trẻ ăn bằng thìa, nên chú ý những điểm sau:
(1) Để trẻ có hứng thú đối với thìa và mong muốn tiếp nhận. Có thể chọn những loại thìa có hình dạng bên ngoài đáng yêu, không dễ vỡ.
(2) Để trẻ quan sát những đứa trẻ khác ăn cơm bằng thìa và giảng giải cho trẻ sự thuận tiện và thú vị khi ăn cơm bằng thìa.
(3) Khích lệ trẻ tự ăn cơm bằng thìa, không cần yêu cầu trẻ phải ăn thành thục. Khi tự trẻ đã có thể ăn cơm được bằng thìa thì nhất định phải khích lệ để trẻ tích cực hơn.
(4) Lần đầu ăn bằng thìa, có thể cho trẻ ăn những thức ăn bình thường trẻ thích.
(5) Cha mẹ cần tích cực giúp trẻ sửa thói quen ăn uống xấu.
Có nên cho trẻ ăn thức ăn đã nhai không?
Khi trẻ không chịu dùng thìa, một số phụ huynh nghĩ đến phương án mớm trẻ ăn. Tuy nhiên, nhai rồi mớm cho trẻ ăn là có hại. Bởi vì, trong khoang miệng của người lớn có thể có vi trùng và vi khuẩn, thậm chí có những vi khuẩn gây một loại bệnh nào đó. Khi nhai nát thức ăn rồi cho trẻ ăn, vi khuẩn và vi trùng theo thức ăn vào trong cơ thể trẻ, sức để kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh.
Bởi vậy, để trẻ tự nhai thức ăn không chỉ tránh vi khuẩn gây bệnh mà còn có lợi cho xương hàm và cơ nhai phát triển. Chỉ cần nấu thức ăn nát một chút, trực tiếp cho trẻ ăn, thông qua việc nhai còn có thể kích thích sự bài tiết nước bọt, cũng có lợi cho việc nuốt và tiêu hóa của trẻ.
Tóm lại, khi trẻ không chịu ăn bằng thìa, cha mẹ cần nhẫn nại tập và dạy cho trẻ thói quen mới. Không nên quát mắng và mất kiên nhẫn vì đối với bé đây vẫn là một điều rất mới mẻ.