4 đến 6 tháng tuổi: Ăn khi con đã lớn hơn

0
652

4 đến 6 tháng tuổi là giai đoạn tương đối dễ chịu trong vấn đề ăn uống – tất nhiên là nếu con đã theo nếp sinh hoạt.

Nếu không có được điều này, mẹ có thể vẫn phải đối mặt với một số vấn đề đã xuất hiện từ các giai đoạn trước, chỉ khác là giờ các vấn đề này rất khó xử lý. Con vẫn khóc khi đòi ăn, nhưng tùy thuộc vào tính khí của con (và cách mẹ phản ứng lại) mà tiếng khóc của con bớt gắt hơn trước. Dưới đây là những điều mà các bậc cha mẹ thường lo lắng khi con mình đang trong giai đoạn này, chúng ta hãy cùng theo dõi nhé!

1. Con bạn ăn không đúng giờ

Một số cha mẹ hay thắc mắc tại sao con không ăn đúng giờ nhưng lỗi không nằm ở đứa trẻ. Việc giúp con đi vào nếp sinh hoạt là việc của người lớn. Tất nhiên, mỗi ngày có thể có chút xê dịch nho nhỏ, đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu lúc nào con cũng ăn uống một cách ngẫu hứng, thì con bạn không bao giờ có thể ngủ ngoan được. Con cần một nếp sinh hoạt.

Nếu trẻ ở tầm tuổi này vẫn được cho ăn cách mỗi 3 tiếng, và có thể con không ăn vặt, mà tôi ngờ rằng cha mẹ vẫn đang cố gắng duy trì cho con nếp sinh hoạt vốn dành cho trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, (cha mẹ) cần phải kéo dài khoảng cách giữa các bữa ăn thành 4 tiếng và cần chuyển đổi từ từ. Vì thế, hãy kéo dài thêm 15 phút mỗi ngày, trong 4 ngày liền. Ưu điểm của các bé tầm tuổi này là con rất dễ chấp nhận. Con dễ bị phân tán bởi đồ chơi hay các trò chơi cùng mẹ hoặc đi dạo. Lưu ý là ở tuổi này, khác với cách áp dụng ở tuổi sơ sinh, mẹ cố gắng tránh dùng ti giả để trì hoãn bữa ăn.

Mẹ cần theo dõi việc ăn uống thường xuyên của con để có những điều chỉnh phù hợp

2. Con ăn xong quá nhanh

Những cha mẹ lo lắng con ăn xong “quá nhanh” có thể đã quên rằng con đã lớn. Ở lứa tuổi này, trẻ ăn năng suất hơn. Vì thế, bé có thể ăn nhiều hơn mặc dù tốn ít thời gian hơn. Tất nhiên, đong đo lượng thức ăn thực tế con ăn sẽ phụ thuộc vào việc con ti mẹ – được đánh giá theo thời gian, hay con ti bình – được đánh giá bằng lượng sữa (ml).

Nếu con uống sữa công thức, vấn đề xác định con ăn đủ hay không là tương đối đơn giản, vì mỗi lượng con ăn đã được đo đạc bằng ml. Hãy theo dõi trong vài ngày. Con có thể uống khoảng 150 ml đến 240 ml mỗi lần, các bình cách nhau 4 tiếng. Kể cả bữa ăn trong mơ – mẹ cho ăn khi con đang ngủ say, tổng cộng một ngày con uống khoảng 750 ml đến 1.110 ml.

Nếu con ti mẹ, mỗi lần ti ở tầm tuổi này chỉ kéo dài khoảng 20 phút, vì giờ con đã có thể mút mạnh trong một khoảng thời gian ngắn mà lượng sữa mẹ có thể đạt được từ 150 – 180 ml trong khi trước con phải mất khoảng 45 phút mới bú đủ được. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chắc chắn, hãy bơm thử để kiểm tra. Đến lúc này, nguồn sữa mẹ thường không còn là vấn đề nữa.

Dù trong trường hợp nào thì khi đạt mốc 6 tháng, nên cân nhắc cho con ăn dặm, vì con bạn bắt đầu thực sự vận động, nên bên cạnh sữa con cần được cung cấp thêm thức ăn để duy trì các hoạt động của mình. 

3. Con không thích ăn

Trong khoảng 4 đến 6 tháng, trẻ có nhiều bước phát triển quyết định. Ở giai đoạn này, con bạn tò mò và hiếu động hơn nhiều. Dù con có thể ăn rất năng suất, nhưng việc ngồi im một chỗ để ăn lại trở nên nhàm chán so với tất cả những điều kỳ thú mới mẻ ở thế giới xung quanh. Trước kia, ti mẹ hoặc bình sữa đã từng là tất cả những gì con cần và khiến con hài lòng. Trước kia, khi ăn có thể con có liếc mắt ngắm nghía nhìn món đồ đu đưa trước mắt trong cũi, nhưng tất cả những thứ đó giờ đây đều trở nên cũ kỹ mất rồi. Lúc này con có thể xoay đầu và đưa tay với tới mọi thứ, thế nên ăn không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Thậm chí có những lúc trải qua một hoặc hai tuần mà con hoàn toàn không hợp tác hoặc cha mẹ không thế nào cho con ăn được. Lời khuyên dành cho các cha mẹ trong lúc này đó là hãy chủ động cho con ăn ở nơi ít sao nhãng, tránh phân tán sự tập trung của con. 

4. Quá gầy – hay chỉ ưa hoạt động hơn?

Thường thì khi trẻ có khả năng di chuyển, con cũng ít quan tâm tới việc ăn uống hơn. Cơ thể con cũng bắt đầu thu gọn lại do vận động nhiều hơn. Khi trẻ bớt mũm mĩm, chúng giống các bé mầm non hơn. Tùy thuộc vào thể trạng của trẻ – điều con được thừa hưởng từ gia đình, cái bụng phệ đáng yêu của con sẽ bắt đầu thu nhỏ lại. Miễn là con khỏe mạnh, đừng quan tâm tới cân nặng. Nếu lo lắng, hãy đưa con tới với bác sỹ chuyên khoa.

Các mẹ cần lưu ý trong việc bổ sung dinh dưỡng cho con. Có thể tham khảo thêm sữa phù hợp với sự phát triển của bé tại đây