Các nguyên tắc ăn dặm dành cho trẻ bú mẹ

0
540

Có lẽ muốn biết làm thế nào là “đúng” thì luôn luôn phải biết là đúng theo chuẩn nào, nguyên tắc nào, cơ sở khoa học nào. Do đó, chúng tôi giới thiệu đến các bố mẹ những nguyên tắc và cơ sở khoa học của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO). Mong rằng những kiến thức căn bản này sẽ ngày càng được lan tỏa đến cha mẹ và những người chăm sóc trẻ.

Chúng ta nên ghi nhớ rằng nuôi con sữa mẹ và nuôi con sữa bột cho trẻ em là hai phạm trù khác hẳn nhau, không nên “chân nọ xọ giày kia”. Ngay cả đối với tài liệu hướng dẫn các nguyên tắc ăn dặm cho trẻ nhỏ, WHO cũng có riêng 2 tài liệu, dành cho trẻ bú mẹ (WHO 2004) và dành cho trẻ bú sữa bột cho trẻ em (WHO 2005).

Nguyên tắc 1: Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho bé ăn dặm khi bé đã được 6 tháng (180 ngày) song song với bú mẹ.

Cơ sở khoa học của nguyên tắc này được WHO đưa ra dựa trên báo cáo khoa học năm 2001 của Ban Chuyên gia Tư vấn của WHO về “Thời gian tối ưu của việc bú mẹ hoàn toàn” – “Optimal Duration of Exclusive Breastfeeding” (WHO 2001).

Báo cáo khoa học này xem xét một cách có hệ thống tất cả các nghiên cứu khắp trên thế giới và đưa đến kết luận rằng việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng có nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Đứng đầu trong số các lợi ích này là các tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường tiêu hóa cho trẻ sơ sinh, không chỉ ở những quốc gia đang phát triển và ngay cả ở những quốc gia công nghiệp hiện đại. Có một số bằng chứng khác cho thấy khả phát triển vận động cũng được tăng cường nhờ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Cho dù bé sinh đủ tháng hay sinh nhẹ cân thì sữa mẹ cũng cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé hoàn toàn trong 6 tháng đầu. (WHO /UNICEẸ 1998).

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, một số các chất vi lượng có thể bị thiếu hụt trước 6 tháng (hầu hết ở những ca trẻ sơ sinh bị kẹp dây nhau quá sớm khi sinh, khiến cho em bé đó không nhận đủ lượng máu sơ sinh, để dự trữ chất sắt, kẽm dồi dào cho 6 tháng đầu đời). Bé có thể được bổ sung vi chất đó bằng thuốc giọt, nếu cần. Trong trường hợp bé sinh đủ tháng, cân nặng bình thường và mẹ không bị thiếu máu trong thai kỳ, thì nguy cơ thiếu sắt trước 6 tháng của bé rất thấp. Đối với bé nhẹ cân hoặc mẹ bị thiếu máu trong thai kỳ thì nguy cơ thiếu sắt từ tháng thứ 2, 3 cao hơn và sẽ được kê toa uống bổ sung sắt bắt đầu từ 2 hoặc 3 tháng.

Các chất vi lượng khác mà trẻ có thể bị thiếu là kẽm, vì mặc dù khả năng hấp thụ kẽm trong sữa mẹ cao, nhưng nồng độ lại tương đối thấp. Tương tự như sắt, lượng dự trữ từ máu nhau thai khi sinh là quan trọng để có đủ kẽm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào là thiếu kẽm trước 6 tháng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tương tự như cách xử lý trong trường hợp thiếu sắt, bé thiếu kẽm có thể được uống kẽm bổ sung.

Nếu bà mẹ có chế độ dinh dưỡng đơn điệu, ví dụ hoàn toàn không thể ăn một nhóm thực phẩm nào đó hoặc mẹ ăn chay trường, trẻ sơ sinh có thể thiếu của một số vitamin (rihư vitamin A, riboflavin, vitamin B6, và vitamin B12). Trong tình huống này, có thể hoặc là cải thiện chế độ dinh dưỡng của người mẹ hoặc bổ sung cho bé theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian cần thiết, thay vì cho bé ăn dặm sớm.

Cần biết rằng tăng trưởng và phát triển của bé, hoặc việc bổ sung các chất vi lượng, nếu cần, cũng không hề được cải thiện nhờ ăn dặm sớm, ngay cả trong điều kiện tối ưu (tức là, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm). Mà ngược lại, các loại thực phẩm ăn dặm trước 6 tháng sẽ làm giảm cơ hội nhận được tối đa sữa mẹ của bé.

Do đó, các chuyên gia của WHO kết luận rằng đợi đến đủ 6 tháng (đủ 180 ngày sau sinh) mới bắt đầu cho bé ăn dặm có nhiều giá trị lợi ích sức khỏe lâu dài, chứ không có bất kỳ bất lợi nào cho bé bú mẹ hoàn toàn suốt 6 tháng. Đồng thời, từ sau 6 tháng tuổi, nguồn dự trữ của một số vi chất dự trữ trong cơ thể bé từ máu của nhau thai đã cạn, nhu cầu của bé lại tăng, do đó, sữa mẹ đến giai đoạn này không đáp ứng đủ nhu cầu của một số chất, nên việc bé ăn dặm để tiếp nhận thêm dưỡng chất từ một số thực phẩm khác bên cạnh sữa mẹ là cần thiết.

Tuy nhiên, trong môi trường vệ sinh tồi tệ (dịch bệnh, thiên tai…), các bé có thể ăn dặm muộn hơn 6 tháng để các bé được giảm nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh

truyền qua các thực phẩm ăn dặm. Ở độ tháng tuổi này, bé cũng đã bắt đầu chủ động tìm hiểu môi trường xung quanh và sẽ tiếp xúc với các chất độc vi sinh trong môi trường xung quanh, cho dù bé có bắt đầu ăn dặm hay không.

Do đó, báo cáo khoa học này kết luận đủ 6 tháng (180 ngày) là độ tuổi thích hợp nhất để bắt dầu tập cho bé ăn dặm.