Hỗ trợ bé phát triển tâm lý lành mạnh

0
738

Mỗi đứa trẻ ở mỗi giai đoạn đều mang trong mình những đặc điểm tâm lý riêng. Nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là cần hiểu rõ đặc điểm tâm lý của con mình trong từng giai đoạn đó để có những tác động hỗ trợ cho sự phát triển của bé. 

Đối với trẻ sơ sinh, đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, nếu các bậc cha mẹ tác động không đúng cách và phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau. Vì vậy, để giúp con bạn phát triển tâm lý ở những giai đoạn đầu đời, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một vài bí quyết hiệu quả mà các mẹ có thể áp dụng. 

1. Nhu cầu gắn bó với người khác (chủ yếu trong quan hệ mẹ-con)

Mối quan hệ mẹ-con qua xúc giác là quan trọng và xuất hiện sớm nhất. Ngay từ khi mới sinh, cả mẹ và con đều có sự gắn kết đặc biệt, cả hai dường như đều phát ra tín hiệu dành cho nhau. Dù trẻ còn rất non nớt nhưng vẫn cảm nhận được sự yêu thương, tình cảm của mẹ dành cho mình, chính vì vậy mà trẻ phản ứng lại bằng những cử động nhỏ như khi mẹ ôm ấp trẻ, trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, trẻ mỉm cười và cử động nhẹ tay chân… Những hành động như bú mẹ, rúc đầu vào ngực mẹ, lúc nào cũng muốn được mẹ ôm và vỗ về… cũng là những hành động thể hiện rõ tình mẹ-con thắm thiết. 

Theo các chuyên gia tâm lý, sự gắn bó giữa mẹ với con ngay từ những ngày đầu sẽ tránh cho trẻ nguy cơ phát triển chậm và những lệch lạc tâm lý sau này. Những đứa trẻ không nhận được tình yêu thương của mẹ từ khi còn nhỏ sẽ cảm thấy cô đơn, lo lắng và sợ hãi, khi lớn lên thì thường có mặc cảm trong giao tiếp, nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như tự kỷ, hội chứng hiếu động kém chú ý… cũng rất cao. 

Chính vì điều này mà các bà mẹ khi mới sinh con hãy tiếp xúc thật nhiều với bé. Hãy ôm bé để bé chạm vào da thịt mẹ, và nhìn bé thật âu yếm, tràn ngập tình yêu thương. Điều này không chỉ giúp bé phát triển tâm sinh lý bình thường, khỏe mạnh mà còn thiết lập mối quan hệ mẹ-con trở nên tốt đẹp hơn. 

Mẹ cần tiếp xúc với bé nhiều hơn trong những năm tháng đầu đời

2. Nhu cầu an toàn

Đây là trạng thái tâm lý xuất hiện khi bé được thỏa mãn nhu cầu cơ bản và nhu cầu gắn bó. Lúc này trẻ cần được bảo vệ, che chở, ấm áp và bình yên trong tình yêu thương của người mẹ. Nhu cầu an toàn chính là điều kiện để bé phát triển tâm sinh lý thật bình thường và khỏe mạnh. Nếu trẻ thiếu đi nhu cầu này, cảm xúc của trẻ sẽ trở nên rối loạn. 

Do đó, trong giai đoạn này, mẹ không nên để bé một mình quá lâu. Nếu trẻ quấy khóc hãy tìm hiểu kĩ nguyên nhân để sớm điều chỉnh. Có thể bé cảm thấy không an toàn, lúc này hãy bế bé lên, vỗ về bé và đừng để đé khóc quá lâu. 

3. Nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài

Nhu cầu này gắn liền với sự phản xạ định hướng, trẻ có xu hướng nhìn theo các vật sáng di động và phản ứng với âm thanh. Trẻ chú ý nhiều đến khuôn mặt của người lớn, và có xu hướng mỉm cười khi ai đó trò chuyện với trẻ. Nhu cầu tiếp thu ấn tượng từ thế giới bên ngoài là cơ sở cho nhu cầu xã hội sau này của bé. Chính vì vậy, mẹ cần tạo ấn tượng và trò chuyện với trẻ nhiều hơn để kích thích sự phát triển của bé. Song song với trò chuyện mẹ cũng có thể đọc sách và kể chuyện cho bé nghe. Đây cũng là những cách vừa phát triển tâm lý lại vừa phát triển khả năng ngôn ngữ khi bé lớn lên. 

Dựa vào những nhu cầu của bé lúc mới sinh, mẹ có thể lựa chọn cho mình những phương pháp tác động phù hợp để trẻ có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh. Ngoài việc phát triển tâm lý, mẹ cũng cần chú trọng phát triển thể chất cho bé bằng chế độ ăn khoa học và phù hợp nhất với bé. Mẹ cũng có thể chọn những sản phẩm dinh dưỡng dành cho bé tại đây để bổ sung và hỗ trợ cho bé phát triển toàn diện.