Phòng tránh tai nạn cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày

0
743

Phòng tránh đuối nước. Nếu có điều kiện nên dạy trẻ tập bơi sớm. – Rào ao, các hố nước, kênh nương cạnh trường (hoặc lớp học) – Không bao giờ được để trẻ ở một mình dưới nước hoặc gần nơi nguy hiểm. Nhắc nhở cha mẹ khi đưa trẻ đi đến trường và từ trường về nhà, nếu phải đi qua những nơi nguy hiểm (hồ, ao, kênh, rạch) phải luôn để mắt đến trẻ. Lớp học được tổ chức ở các bè nổi trên mặt nước phải có biện pháp bảo vệ tránh để trẻ ngã xuống nước. – Tại các lớp học, không nên để trẻ một mình vào nơi chứa nước kể cả xô nước, chậu nước. Giám sát khi trẻ đi vệ sinh, khi trẻ chơi gần khu vực có chứa nguồn nước. – Giếng nước, bể nước phải xây cao thành và có nắp đậy chắc chắn. Cần đậy nắp các dụng cụ chứa nước như chum, vại…

Phòng tránh cháy bỏng – Kiểm tra thức ăn trước khi cho trẻ ăn, uống. Tránh cho trẻ ăn thức ăn, nước uống còn quá nóng. – Không cho trẻ đến gần nơi đun bếp ga, bếp củi, nồi canh hoặc phích nước còn nóng. – Không để trẻ nghịch diêm, bật lửa và các chất khác gây cháy bỏng. Để diêm, bật lửa, nến, đèn dầu, bàn là, vật nóng xa tầm với của trẻ hoặc nơi an toàn đối với trẻ. Giáo dục cho trẻ nhận biết đồ vật và nơi nguy hiểm. Lưu ý : Không để trẻ đến gần ống xả của xe máy khi vừa dừng vì rất dễ gây bỏng. Khi bị bỏng thường bỏng sâu, dễ nhiễm trùng và để lại sẹo

Phòng tránh ngộ độc – Không để bếp than tổ ong, bếp củi đang đun hoặc đang ủ gần nơi sinh hoạt của trẻ. – Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi nghi ngờ ăn thức ăn bị ôi thiu hoặc thức ăn có nhiều chất bảo quản, phụ gia (lạp xưởng, thịt nguội,…) cô giáo báo cho nhà trường hoặc phụ huynh (nếu là thức ăn do gia đình mang tới) và không cho trẻ ăn. – Thuốc chữa bệnh để trên cao, ngoài tầm với của trẻ – Không cho trẻ chơi đồ chơi có hóa chất: chai, lọ đựng thuốc, màu độc hại cho trẻ. – Không cho trẻ tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Không được đựng thuốc trừ sâu, thuốc chuột, dầu hỏa axit trong vỏ chai nước ngọt, nước khoáng, lon bia, chai dầu ăn, cốc…